Được xem như đại sứ du lịch của Hà Giang, tam giác mạch giờ đây không còn là một loài cây vô danh ẩn chung với cây rừng mà nổi bật, mềm mại và kiêu sa giữa cao nguyên đá hùng vĩ.
Nói đến tam giác mạch tại Việt Nam thì tam giác mạch có lẽ là đặc sản riêng của vùng đất địa đầu tổ quốc Hà Giang. Thật vậy, giữa một vùng sỏi đá khô cằn, loài hoa vẫn cắm rễ chồi lên đón nắng và mưa xuân, rung rinh hoa trong sớm, cả một vùng tam giác mạch như đưa người ta lạc vào xứ thần tiên.
Tam giác mạch nở rộ vào khoảng cuối năm
Khoảng thời gian hoa tam giác mạch Hà Giang nở rộ nhất là vào các tháng từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, khi những cơn gió mùa bắt đầu kéo về nơi Cao nguyên đá. Những thung lũng, triền đồi như ngập tràn trong sắc hồng, trắng của hoa tam giác mạch. Cùng với ánh nắng mặt trời vàng dịu, hiu hiu buông mình trêu đùa với những bông hoa li ti, đung đưa trong gió, loài hoa tam giác mạch như một tấm áo khoác khổng lồ trải dài lên những sườn đồi xa của cao nguyên đá, khiến cho vùng đất nơi đây đột nhiên trở nên dịu dàng và đầy quyến rũ.
Loài hoa mộc mạc mà Kiêu Sa
Hiếm có loài hoa nào được ưu ái như tam giác mạch ở Hà Giang, người ta nhớ đến loài hoa này như một phần không thể thiếu của cao nguyên đá. Loài hoa tam giác mạch có nhiều màu, có loại màu trắng, màu hồng, màu tím... Hoa mang vẻ đẹp dân dã, mọc trải dài thành cánh đồng, chênh vênh trên những mỏm đá, thấp thoáng sau những ngôi nhà tường xưa cũ hoặc e ấp cuộn mình bên những cung đường quốc lộ. hững nụ hoa bé tí ti trông thì yểu điệu, mỏng manh, nhưng giữa chốn rừng núi này lại bỗng nhiên trở thành một thứ màu sắc mới tô điểm cho Hà Giang, làm sáng bừng cả một miền rẻo cao lạnh lẽo, cái tình mà không phải chốn núi non nào cũng có.
Hoa “cứu đói” cả bản làng
Hoa tam giác mạch gắn liền với câu chuyện "cứu đói" của bản làng. Tương truyền, xưa kia, người dân miền núi phía Bắc sống chủ yếu bằng hạt ngô, hạt lúa. Một năm nọ, lúa, ngô trong nhà đã cạn mà vụ mùa vẫn chưa tới, cả bản làng u ám. Người ta đi tìm khắp ngóc ngách mà không thấy cái ăn. Bỗng nhiên, người ta thấy thoang thoảng mùi hương lạ trong gió. Dân bản lần theo khe núi thì thấy rừng hoa li ti, với những chiếc lá hình tam giác ẩn kín dưới hoa. Người dân đem hạt của cây này về ăn thay ngô, gạo và gọi nó là tam giác mạch.
Di chuyển: Taxi sân bay Hà Nội đi Hà Giang trọn gói giá rẻ
Hoa tam giác mạch còn mang theo ý nghĩa hiện thực về đời sống như khi nhắc đến hoa tam giác mạch ta liền nghĩ ngay đến những món ăn mang đậm chất của núi rừng Đông Bắc. Thân của tam giác mạch còn được chế biến để dùng chung với những loại rau khác trong bữa ăn. Ngoài ra đây còn là một vị thuốc, theo Đông y, kiều mạch có vị chát, hơi the, tính bình; có tác dụng lợi thấp, tiêu thủng, thanh nhiệt giải độc.
Bánh tam giác mạch là đặc sản nối tiếng
Bánh tam giác mạch được làm từ hạt, thứ mà ít người cất công lên tới Hà Giang để ý bởi mãi say trong những cánh hoa muôn hồng nghìn tía. Cuối mùa, người dân thu hoạch tam giác mạch, hạt của chúng được phơi khô, một phần dùng ủ tạo thành loại men hồng mi nổi tiếng, một phần có thể xay bột làm bánh.
Từ những hạt tam giác mạch nhỏ hơn hạt đậu được những người dân ở đây xay thành thứ bột thật mịn màng, sau đó cho bột hòa lẫn với nước lã thành bột dẻo, rồi cho vào khuôn truyền thống đúc thành từng miếng bánh tròn xoe. Nghe qua có vẻ dễ làm, nhưng xay bột tam giác mạch rất khó, phải là những hạt tam giác mạch được phơi khô độ một tuần lễ dưới nắng ròng rã, thì mới dễ xay.
Không quá mướt mát như bột gạo, bột tam giác mạch thoáng vị bùi, phảng phất chút hăng đặc trưng của cây rừng. Bánh được hấp chín trên bếp lửa có vị ngọt thanh, mềm xốp, khi đến tay người mua vẫn còn nguyên hơi ấm.
Lễ hội Hoa tam giác mạch – Sắc màu hoa đá
Cùng với sự thành công của “Bản tình ca từ đá” năm 2017, “Miền hoa – lan tỏa” năm 2018, năm nay, lễ hội Hoa Tam giác mạch 2019 lấy chủ đề đó là “Sắc màu hoa đá”. Lễ hội chính thức khai mạc vào hồi 20h00 ngày 16/11/2019. Đồng thời chương trình cũng được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài truyền hình Việt Nam; Trực tiếp (livestream) trên fanpage Lễ hội Hoa Tam giác mạch. Thông qua lễ hội, Tỉnh Hà Giang nhằm tôn vinh loài hoa đặc biệt này, cùng với đó lan tỏa chia sẻ bản sắc văn hóa, nét đẹp dân tộc của đồng bào Mông nơi đây.
Địa điểm ngắm hoa tam giác mạch rực rỡ
Sủng Là: nơi này được xem là địa điểm ngắm hoa tam giác mạch đẹp nhất Hà Giang. Vùng đất này được mệnh danh “nơi đá nở hoa” bởi sở hữu những thảm hoa tuyệt đẹp khi vào mùa.
Cột cờ Lũng Cú: không chỉ mang vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng mà khi đến mùa hoa tam giác mạch, Lũng Cú cũng trở nên dịu dàng thơ mộng của sắc hồng tím bao phủ khắp đường. Tam giác mạnh ở đây được trồng thành các ruộng bậc thang, tầng lớp khá bắt mắt.
Sườn đồi Lũng Táo: hoa tam giác mạch ở đây được trồng rải rác bên các sườn đồi. Vì vậy, để có thể ngắm hoa tam giác mạch khi vào mùa, du khách phải lên một điểm rất cao mới có thể nhìn trọn cảnh cánh đồng hoa nở rộ.
Đến thăm mùa hoa tam giác mạch, du khách còn thể bắt gặp những hình ảnh em bé dân tộc mông, chân trần, lưng đeo gù tre, tay dắt em nhỏ, ra đồng làm đỡ mẹ, hay những khuôn mặt ngây thơ, non nớt của các em bé ngủ gật trên lưng mẹ, miệng hơi nhoẻn cười như đang mơ một giấc mơ thật đẹp. Tiếng cười giòn tan, tinh nghịch của những đứa em trẻ thơ giữa những cánh đồng hoa tam giác mạch rộng lớn, cũng hết sức lạ lùng, tưởng lạ mà lại hết sức quen thuộc, khiến người du khách như trở về với thời thơ trẻ của nhiều năm về trước.
Di chuyển: Xe Limousine Hà Nội đi Hà Giang giá rẻ
Nguồn: Wiki Travel