Tìm kiếm lợi nhuận khi nỗ lực giảm ùn tắc giao thông và giảm lượng khí thải trong thành phố.
Nội dung nổi bật:
Doanh nghiệp xã hội – Tìm kiếm lợi nhuận khi giải quyết các vấn đề xã hội vẫn còn là mô hình mới mẻ ở Việt Nam, và để đạt được thành công với mô hình này không hề đơn giản.
Đi chung, một DN xã hội trong lĩnh vực giảm ùn tắc giao thông, giảm lượng khí thải trong thành phố gặp khó khăn ở 2 vấn đề:
- Số lượng thành viên quá ít để mạng lưới đạt hiệu quả.
- Dịch vụ cung cấp trong thành phố hoàn toàn miễn phí, không thu hút người tham gia và không đem lại hiệu quả kinh doanh.
Giải pháp:
- Cung cấp dịch vụ đi chung Taxi sân bay, vừa giúp tiết kiệm cho khách hàng, vừa đem lại lợi nhuận.
- Khách hàng thấy dịch vụ hữu ích và thiết thực sẽ tham gia vào mạng lưới nhiều hơn, từ đó hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội.
“Tìm kiếm lợi nhuận khi giải quyết các vấn đề xã hội”, đó là phương thức hoạt động của doanh nghiệp xã hội. Tuy nhiên, đây vẫn là một mô hình còn mới tại Việt Nam, và việc giải quyết các vấn đề xã hội song song với bài toán lợi nhuận không hề đơn giản.
Đi chung, một doanh nghiệp xã hội ra đời để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, giảm lượng khí thải tại các thành phố lớn là một ví dụ.
Đi chung thực chất là một dịch vụ trực tuyến giúp mọi người chia sẻ các vị trí trống trên các phương tiện vận tải khi lưu thông. Nói một cách đơn giản, thay vì một mình một chiếc taxi hay ô tô riêng, bạn có thể “bán” chỗ ngồi trống với những người có cùng hành trình với mình, từ đó tiết kiệm chi phí đi lại đồng thời giảm số lượng xe lưu hành trên đường. Nhiệm vụ của Đi chung sẽ là kết nối những người có nhu cầu với nhau.
Nguyễn Thành Nam, sáng lập Đi chung cho biết, mục tiêu hướng tới của Đi chung là giúp xã hội giảm được 6 triệu tấn CO2 và tiết kiệm khoảng 25 triệu USD mỗi năm.
Một mục tiêu tham vọng.Tuy nhiên, vấn đề đầu tiên với một mạng lưới như Đi chung đó là muốn đạt hiệu quả, cần phải có một cộng đồng đủ đông.
“Sẽ cần khoảng 100.000 thành viên để mọi người tin cậy vào mạng lưới và có thể tìm được người đi cùng tuyến đường với mình”, anh Nam ước tính. Nếu so sánh với số thành viên hiện tại khoảng hơn 8.000 của Đi chung, đường tới con số 100.000 còn khá dài.
Về hiệu quả kinh doanh, với những tuyến đường ngắn trong nội thành, nơi thải ra nhiều CO2 nhất và thường xuyên bị ùn tắc, Đi chung chỉ áp dụng mô hình C To C (customer to customer), hoàn toàn miễn phí. “Việc cung cấp các tuyến đường ngắn trong nội đô chủ yếu đế mọi người nâng cao ý thức bảo vệ môi trường khi tham gia giao thông”, anh Nam cho biết.
Việc cung cấp các tuyến đường ngắn trong nội đô hoàn toàn miễn phí, chủ yếu để nâng cao ý thức người tham gia
Nếu chỉ cung cấp miễn phí như vậy, Đi chung không mang về lợi nhuận, đồng thời yếu tố kích thích số người tham gia vào mạng lưới cũng không cao.
Để tăng trưởng, thay vì chỉ dựa vào ý thức của mọi người, Đi chung cần cung cấp một dịch vụ thương mại, vừa thu hút nhiều người tham gia, vừa giải quyết bài toán lợi nhuận.
Anh Nam cho biết, vừa qua, công ty đã mở mô hình đi chung liên kết với dịch vụ taxi sân bay. Với hình thức này, giá taxi chiều Hà Nội - Nội Bài là 150.000 đồng (giá thường 230.000 đồng), chiều Nội Bài - Hà Nội là 200.000 đồng (giá thường 350.000 đồng). Khi khách hàng chọn hình thức đi chung, Airport Taxi sẽ tìm người cùng tuyến đường để đi ghép trong một xe. Mức giá đi chung xe áp dụng cố định theo bảng giá.
“Đi chung đã áp dụng hình thức B to C (Business to Customer) để đáp ứng mục tiêu kinh doanh của mình. Hình thức này có lợi cho cả đôi bên: Những người đi một mình sẽ tiết kiệm được 40% chi phí còn hãng vận tải sẽ thu được nhiều tiền hơn”, anh Nam cho biết. Đi chung vẫn giữ vai trò trung gian kết nối hãng taxi với những người có nhu cầu.
Người sáng lập Đi chung kỳ vọng,với việc đưa ra một dịch vụ thiết thực, số người tham gia Đi chung sẽ tăng lên, từ đó hỗ trợ giải quyết vấn đề xã hội.
Rõ ràng, mục tiêu “một mũi tên trúng 2 đích” của các DNXH không dễ thực hiện. Nhất là khi Nhà nước cũng đang thiếu đi cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Theo thống kê của CIEM, Việt Nam hiện có khoảng 211 doanh nghiệp đang hoạt động theo đúng mô hình doanh nghiệp xã hội và ước tính bình mỗi năm có thêm khoảng 50 doanh nghiệp xã hội đi vào hoạt động. Các vấn đề xã hội ngày càng nhiều thì số lượng DNXH cũng tăng theo.
Tuy nhiên, các DNXH lại chưa được hưởng chính sách ưu đãi gì đáng kể. “Nhà nước vẫn chưa có chính sách hỗ trợ về vốn hay ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp xã hội. Để hoạt động, các doanh nghiệp đều dựa trên nguồn vốn của người sáng lập cộng với sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận”, anh Nam cho biết.
Trần Dũng
Theo Trí Thức Trẻ