Bảo tàng điêu khắc Chămpa, thường được dân chúng gọi là “Bảo tàng Chàm” (dịch từ Musée Cham ) nằm ở giao điểm đường Bạch Đằng và đường Trần Phú, thuộc quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Ngôi nhà được mô phỏng theo đường nét kiến trúc kiểu tháp Chăm cổ, nằm trong khuôn viên có nhiều cây sứ cổ thụ.
Lối vào bảo tàng
Bảo tàng được xây dựng theo môtíp Chămpa. Bảo tàng điêu khắc Chămpa xây phỏng theo mô típ của các kiến trúc Chămpa, khối nhà trưng bày màu trắng có đường nét trang trí tuy nhỏ nhưng đơn giản và duyên dáng.
Tượng Phật với phong cách điêu khắc đặt trưng của người Chăm
Đây là bộ sưu tập cuối cùng về nghệ thuật điêu khắc Chămpa trên thế giới được đặt tại Đà Nẵng, trung tâm cũ của vương quốc Chămpa. Bảo tàng điêu khắc Chămpa được xây dựng từ năm 1915 dưới sự bảo trợ của Viện nghiên cứu Viễn Đông pháp tại Việt Nam. Năm 1936, Bảo tàng được mở rộng thêm và chính thức khánh thành vào năm 1939.
Khuôn viên bên trong bảo tàng
Bảo tàng được thành phố Đà Nẵng đầu tư nâng cấp, diện tích được xây dựng thêm là 1.800m2 (2002 – 2004). Công trình vẫn giữ được phong cách kiến trúc tổng thể và kế thừa bố cục trưng bày ban đầu, song được bổ sung thêm 150 hiện vật mới, trong đó có nhiều hiện vật rất quý như tượng nữ thần bằng đồng.
Tượng nữ thần bằng đồng
Hiện vật trong bảo tàng Chăm
Hiện nay bảo tàng trưng bày khoảng 300 tác phẩm điêu khắc nguyên bản bằng chất liệu sa thạch, số ít là đất nung được sưu tập từ các đền, tháp Chàm nằm rải rác ở miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Đấy là những đài thờ và các phù điêu trang trí trên các kiến trúc. Chúng được trưng bày trong 10 phòng mang tên các địa phương có hiện vật được phát hiện. Kiến trúc có niên đại từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 15 theo chế độ mẫu hệ "Mother of the country".
Các tác phẩm điêu khắc trong bảo tàng Chăm
Các tác phẩm điêu khắc được lấy từ thánh địa Mỹ Sơn
Đến thăm Bảo tàng Điêu khắc Champa - một bảo tàng độc đáo không chỉ của thành phố Đà Nẵng,Việt Nam mà còn của cả thế giới - dẫu giữa ngày mưa hay ngày nắng, buổi sáng hay buổi chiều, du khách vẫn nhận ra một không khí rất riêng mà nơi này, do đặc trưng của mình vẫn luôn giữ được: sự trầm lắng của những hoài niệm.
Hệ thống chiếu sáng, âm thanh, các phương tiện bảo vệ hiện vật được trang bị đồng bộ và hiện đại hơn. Bảo tàng đã bước đầu bố trí chỗ dành cho những người có yêu cầu nghiên cứu đến làm việc thuận tiện.
Những tượng thờ, vật trang trí, bàn thờ được sưu tầm từ các nền văn minh Chămpa có nguồn gốc từ Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định... Nhiều tác phẩm không còn giữ được nguyên hình dáng cũ do sự tàn phá của thời gian, nhưng chúng ta sẽ được khám phá sự độc đáo về văn hóa Chămpa và nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, đặc biệt là những bức tượng liên quan đến các thần Ấn Độ giáo thời kỳ Veda.
Đến bảo tàng, ta như thấy lại quá khứ vàng son của một dân tộc mà lòng say mê và khả năng sáng tạo nghệ thuật đều ở một trình độ rất cao. Thế giới thần linh kỳ bí, những câu chuyện bằng hình ảnh, các biểu tượng tôn giáo, đường cong thân thể các vũ nữ, những bầu ngực căng tròn, nụ cười phảng phất nét thời gian... tất cả đều sống động, chi tiết và gợi cảm vô cùng. Hãy cùng nhau thưởng thức những vũ điệu Chămpa truyền thống ngay tại sân bảo tàng điêu khắc Chămpa để hiểu hơn về một nền văn hóa.