Chùa Tam Thai - Nằm trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn, trên ngọn Thủy Sơn, chùa Tam Thai là ngôi chùa cổ nhất tại thành phố Đà Nẵng.
Chùa Tam Thai tọa lạc ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, trong khu vực Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà nẵng, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 13km. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.
[caption id="attachment_8806" align="aligncenter" width="750"] Chùa Tam Thai[/caption]
Ở phía Tây ngọn Thủy Sơn, có 156 bậc cấp lát đá dẫn đến chùa Tam Thai, thường được gọi là chùa Trong. Từ chùa Tam Thai, có đường đi xuyên núi, ngang qua hang Vân Nguyệt đến chùa Linh Ứng và các hang động khác.
[caption id="attachment_8808" align="aligncenter" width="750"] Chùa Tam Thai[/caption]
Trong chuyến tuần du của Vua Minh Mạng năm 1825, vua đã đi thăm khắp danh thắng, đặt tên các hòn núi, các hang động và cho khắc chữ lên vách đá. Năm 1826, Vua lại cho đúc chuông, tượng ban cho các chùa. Em gái nhà vua đã đến tu hành tại đây. Đến đời Thành Thái, Vua đã giá ngự đến các chùa Tam Thai, Linh Ứng cầu nguyện cho quốc thái dân an.
[caption id="attachment_8816" align="aligncenter" width="960"] Mai vàng nở rợp trời mỗi độ xuân về - Ảnh sưu tầm[/caption]
Chùa Tam Thai là ngôi chùa cổ được dựng vào thời Hậu Lê. Thiền sư Hưng Liên, pháp danh Quả Hoằng, từ Trung Quốc sang, đã trụ trì chùa vào cuối thế kỷ XVII. Thời gian này, năm 1695, Thiền sư Thạch Liêm Thích Đại Sán có ghé viếng chùa, cảm tác bài thơ vịnh núi Tam Thai, ca ngợi cảnh động Hoa Nghiêm phía sau chùa.
[caption id="attachment_8800" align="aligncenter" width="1024"] Tượng Phật Bà Quan Âm - Ảnh: Peter[/caption]
Chùa bị hỏng hoàn toàn vào thời Tây Sơn. Năm1825, Vua Minh Mạng cho xây dựng chùa mới bằng vật liệu gạch ngói, ban cho chùa tấm biển ghi Ngự chế Tam Thai Tự, Minh Mạng lục niên và một tấm biển đồng hình quả trám, hai mặt có bút tích của nhà vua. Mặt trước ghi:
"Trẫm
Kính cẩn đức Phật tổ Như Lai đã đem Phật pháp vô thượng ngự vào thế gian. Đức Như Lai thị hiện thập đại công đức, phổ độ hằng tế nhân thiên tận khắp cả mười phương hư không.
Thật đức Như Lai là đấng đại từ ân phúc vậy!".
Mặt sau ghi: "Minh Mạng lục niên kiết nhật tạo".
Vua Minh Mạng đã có sắc dụ chỉ định ngài Viên Trừng, quê Phú Yên, đang tu ở chùa Thiên Mụ (Huế) về trụ trì chùa Tam Thai. Ngài trụ trì suốt 27 năm, viên tịch năm 1853.
Năm 1895, Hòa thượng Ấn Lang, pháp hiệu Từ Trí được sắc tứ Tăng cang trụ trì cả hai chùa. Năm 1901, cơn bão Tân Sửu đã tàn phá ngôi chùa. Đến năm 1907, chùa mới xây dựng lại.
[caption id="attachment_8820" align="aligncenter" width="750"] Cảnh động Huyền Không - Ảnh sưu tầm[/caption]
Nếu có đủ thời gian, du khách nên dành thời gian đi theo một con đường nhỏ phía sau chùa Tam Thai, con đường này dẫn tới một cổng vôi cổ kính phía trên có khắc 3 chữa “Huyền Không Quan”. Đây chính là cửa vào động Hoa Nghiêm và động Huyền Không. Động Huyền Không là một hang lộ thiên nằm gọn trong lòng núi. Mái động hình vòm, nền động bằng phẳng, trần có 5 lỗ hổng có thể từ đây nhìn thấy bầu trời bên ngoài.
[caption id="attachment_8818" align="aligncenter" width="750"] Cảnh chùa nhìn từ trên xuống - Ảnh sưu tầm[/caption]
Điện Phật thờ tượng Di Đà Tam Tôn, gian giữa tôn trí tượng đức Phật A Di Đà, gian hai bên thờ Bồ tát Quan Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí. Hai bên tiền đường thờ tượng Hộ Pháp và Tiêu Diện.
[caption id="attachment_8822" align="aligncenter" width="750"] Con đường đi lên chùa - Ảnh sưu tầm[/caption]
Mặc dù kiến trúc chùa hiện nay mang phong cách kiến trúc đặc trưng của Nhà Nguyễn bởi đã qua nhiều lần tu sửa, song Tam Thai tự vẫn được coi là ngôi chùa cổ tại Đà Nẵng bởi công trình tâm linh này đã được khởi công xây dựng từ năm 1630. Có lẽ vì thế mà từ lâu chùa đã là một trong những điểm đến du khách không bỏ qua khi đến với Đà Nẵng.
[caption id="attachment_8814" align="aligncenter" width="800"] Chỉ dẫn dưới mỗi gốc cây - Ảnh sưu tầm[/caption]
Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.
Nguồn: Tổng hợp